Bollinger Bands Là Gì? Hướng Dẫn Trade Coin Với Bollinger Bands

Trong bài viết hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu các chỉ báo phân tích kỹ thuật cơ bản được sử dụng phổ biến trong giao dịch trade coin.

Chỉ báo mình muốn giới thiệu trong bài viết này là Bollinger Bands. Hãy cùng tìm hiểu về cấu tạo và cách sử dụng chỉ báo Bollinger Bands để trade coin trong bài viết này nhé!

More...

1. Bollinger Bands là gì?

Bollinger Bands (hay còn gọi là dải Bollinger): Là chỉ báo dùng để đo biến động giá cả của thị trường. Chỉ báo này giúp trader xác định được tình trạng của thị trường: thị trường quá mua hoặc quá bán, thị trường đang tích lũy hay đang biến động mạnh.

Cấu tạo của chỉ báo Bollinger Bands bao gồm 3 thành phần:

  • Dải giữa: Là 1 đường trung bình động SMA20.
  • Dải trên: Nằm phía trên đường SMA20, được tính toán dựa trên độ lệch chuẩn so với đường SMA20.
  • Dải dưới: Nằm phía dưới đường SMA20, được tính toán dựa trên độ lệch chuẩn so với đường SMA20.

Xem cấu tạo của chỉ báo Bollinger Bands:

chi-bao-bb

2. Các đặc điểm của Bollinger Bands

#1. Phần lớn giá sẽ dao động trong Bollinger Bands

Khi giá dao động lên xuống thì 2 dải trên và dưới của chỉ báo Bollinger Bands cũng sẽ dao động tương ứng. Chính đặc điểm này làm phần lớn dao động lên xuống của giá điều nằm trong dải Bollinger Bands.

#2. Các vùng quá mua, quá bán

Khi giá chạm dải dưới của Bollinger Bands thì báo hiệu rằng thị trường đang ở trong tình trạng quá mua. Ngược lại khi giá chạm dải trên của Bollinger Bands thì báo hiệu thị trường đang ở trong tình trạng quá bán.

Đặc điểm này của Bollinger Bands thể hiện rất rõ nét khi thị trường sideway, cụ thể là giá chạm dải trên sẽ điều chỉnh giảm trở lại và giá chạm dải dưới sẽ điều chỉnh tăng trở lại.

#3. Trong thị trường có xu hướng thì dải giữa đóng vai trò hỗ trợ, kháng cự.

Với xu hướng tăng, dải giữa đóng vai trò hỗ trợ, nghĩa là khi giá chạm dải giữa sẽ điều chỉnh tăng trở lại dải trên.

Với xu hướng giảm, dải giữa đóng vai trò kháng cự, nghĩa là khi giá chạm dải giữa sẽ điều chỉnh giảm trở lại dải dưới.

#4. Khoảng cách giữa 2 dải trên và dưới của Bollinger Band thể hiện biến động của thị trường.

Khi khoảng cách giữa 2 dải càng nhỏ có nghĩa là thị trường đang trong giai đoạn tích lũy, ngược lại khi khoảng cách càng lớn thì báo hiệu cho sự biến động mạnh của thị trường.

Là những trader thì chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những đặc điểm trên đây của Bollinger Bands để tìm kiếm những cơ hội giao dịch đem lại hiệu quả cao. 

3. Cách giao dịch với chỉ báo Bollinger Bands

3.1. Nút thắt cổ chai

Đây có thể nói là phương pháp giao dịch kinh điển nhất mà các trader thường sử dụng khi giao dịch với chỉ báo Bollinger Bands.

"Nút thắt cổ chai" ở đây muốn nói đến hiện tượng 2 dải trên và dải dưới của Bollinger Bands co lại gần nhau, hình ảnh này giống cái cổ chai nên nó được lấy tên như vậy. 

Hiện tượng này báo hiệu rằng thị trường đang trong giai đoạn tích lũy và chuẩn bị xảy ra một biến động mạnh.

Xem ví dụ nút thắt cổ chai của chỉ báo Bollinger Bands với cặp coin TRXUSDT trên khung thời gian 1H:

bb-nut-that-co-chai-1

Các bạn có thể thấy 2 dải của Bollinger Bands bắt đầu thu hẹp dần để hình thành nút thắt cổ chai. Sau khi giá phá ra khỏi cổ chai thì biến động rất mạnh, cụ thể giá tăng lên rất mạnh.

Cùng xem một ví dụ khác:

bb-nut-that-co-chai-2

Trong ví dụ này Bollinger Bands cũng tạo nút thắt cổ chai và giá đi sideway liên tục sau đó giá phá ra khỏi nút thắt cổ chai để giảm mạnh.

Mình muốn lấy 2 ví dụ trên để các bạn biết là khi Bollinger Bands tạo nút thắt cổ chai thì nó báo hiệu cho chúng ta biết thị trường sắp có 1 biến động mạnh, tuy nhiên chỉ báo Bollinger Bands sẽ không chỉ cho chúng ta biết giá sẽ tăng hay giảm.

Một mẹo mà mình thường dùng để dự đoán hướng của giá sau khi phá vỡ nút thắt cổ chai là dựa vào giá đóng cửa của các cây nến tại vùng thắt cổ chai.

Quay lại ví dụ trên với cặp TRXUSDT trên khung 1H và Bollinger Bands đang tạo hình dạng nút thắt cổ chai, chúng ta có thể phân tích:

bb-nut-that-co-chai-3
  1. 1
    Khi giá đóng cửa của cây nến vượt qua dải trên Bollinger Bands thì các bạn cần chú ý. Ở đây giá đóng cửa cây nến 1 đã vượt qua dải trên, đây có thể là dấu hiệu giá có thể phá nút thắt để tăng lên. 
  2. 2
    Bạn cần chờ tín hiệu từ cây nến tiếp theo, cụ thể ở đây là cây nến 2. Nếu cây nến 2 tiếp tục tăng lên thì mình sẽ vào lệnh MUA vì đây là dấu hiệu giá đã phá nút thắt để tăng lên. 
  3. 3
    Ngược lại nếu giá cây nến 2 giảm trở lại thì vẫn chưa có dấu hiệu phá vỡ, bạn sẽ tiếp tục chờ đợi cơ hội khác.
  4. 4
    Nếu muốn chắn ăn hơn thì bạn có thể đợi cây nến thứ 2 đóng cửa hoàn toàn ở ngoài dải trên Bollinger Bands để tiếp tục vào lệnh ở cây nến tiếp theo. 

Trong trường hợp giá phá vỡ dải dưới thì các bạn có thể áp dụng cách làm tương tự để vào lệnh BÁN.

Tổng hợp lại các bước giao dịch với nút thắt cổ chai của Bollinger Bands:

Bước 1: Tìm cặp coin có hiện tượng nút thắt cổ chai với chỉ báo Bollinger Bands (Các bạn có thể để ý những cặp coin mà giá đi sideway trong thời gian dài). 

Bước 2: Chờ giá phá vỡ khỏi nút thắt cổ chai, giá phá vỡ tăng lên hay giảm xuống?

Bước 3: Vào lệnh khi xác nhận tín hiệu phá vỡ nút thắt cổ chai của Bollinger Band.

3.2. Giao dịch trong thị trường có xu hướng

Trong thị trường có xu hướng thì dải giữa của Bollinger Bands đóng vai trò hỗ trợ, kháng cự. Vì vậy các bạn có thể tận dụng đặc điểm này để vào lệnh khi giá chạm dải giữa và điều chỉnh trở lại.

#1. Khi giá trong xu hướng tăng

Khi giá trong xu hướng tăng thì dải giữa của Bollinger Bands đóng vai trò là hỗ trợ, khi giá chạm vào dải giữa thì có xu hướng tăng trở lại dải trên.

Ví dụ: Cách giao dịch với Bollinger Bands trong xu hướng tăng, cặp coin ETHUSDT trên khung thời gian 1H:

bb-thuan-xu-huong

Các bạn có thể thấy thị trường đang ở trong xu hướng tăng giá. Lúc này dải giữa của chỉ báo Bollinger Bands đóng vai trò hỗ trợ, nghĩa là khi giá chạm vào dải giữa sẽ tăng trở lại dải trên.

Cách giao dịch hiệu quả:

  1. 1
    Chờ giá hồi về dải giữa của Bollinger Bands. 
  2. 2
    Kẻ đường trendline nhỏ (đường màu vàng nét đứt trong hình).
  3. 3
    Vào lệnh khi giá phá vỡ trendline để tăng lên.
  4. 4
    Bạn có thể chốt lời khi giá tăng lên đến dải trên của Bollinger Bands hoặc có thể dựa vào tình hình của thị trường để giữ lệnh.

#2. Khi giá trong xu hướng giảm

Khi giá trong xu hướng giảm thì dải giữa của Bollinger Band đóng vai trò là kháng cự, khi giá chạm vào dải giữa thì có xu hướng giảm trở lại dải dưới.

Ví dụ: Cách giao dịch với Bollinger Bands trong xu hướng giảm, cặp coin ETHUSDT trên khung thời gian 1H:

bb-nguoc-xu-huong

Thị trường đi vào xu hướng giảm giá khi mà trước đó giá đã phá qua dải giữa để giảm xuống, vậy dải giữa lúc này đóng vai trò là 1 kháng cự.

Cách giao dịch hiệu quả:

  1. 1
    Chờ giá hồi về dải giữa của Bollinger Bands. 
  2. 2
    Kẻ đường trendline nhỏ (màu vàng nét đứt). 
  3. 3
    Vào lệnh khi giá phá vỡ trendline để giảm xuống.
  4. 4
    Các bạn có thể chốt lời khi giá giảm xuống dải dưới hoặc tùy thuộc tình hình thị trường để giữ lệnh. 

3.3. Giao dịch khi thị trường sideway

Khi thị trường đi ngang (sideway) thì giá chạm dải trên và dải dưới của Bollinger Bands nhiều lần, các bạn có thể tận dụng đặc điểm này để giao dịch:

  • Vào lệnh MUA khi giá chạm dải dưới.
  • Vào lệnh BÁN khi giá chạm dải trên.
bb-thi-truong-sideway

Một cách giao dịch hiệu quả khi thị trường sideway là sử dụng đa khung thời gian, các bước thực hiện như sau:

  1. 1
    Xác định thị trường sideway trên khung thời gian lớn.
  2. 2
    Vào khung thời gian nhỏ hơn để giao dịch.

Mình sẽ lấy ví dụ để các bạn hình dung cách giao dịch này, đây là cặp BTCUSDT, mình dùng 2 khung thời gian là 1D và 4H.

Bước 1: Xác định thị trường sideway trên khung thời gian lớn ( ở đây là khung 1D)

Các bạn thấy thị trường đang đi sideway trên khung 1D, lúc này mình sẽ đánh dấu vùng giá sideway lại trên khung 1D. 

bb-sideway-1

Bước 2: Vào khung thời gian nhỏ hơn để giao dịch.

Mình sẽ mở khung thời gian nhỏ hơn khung 1D là khung 4D để giao dịch với Bollinger Bands tại những vùng đã đánh dấu.

Vì giá trên khung 1D đi sideway nên mình sẽ giao dịch theo cách là: mua vào khi giá chạm dải dưới và bán ra khi giá chạm dải trên của Bollinger Bands trên khung 4H.

bb-sideway-2

>> Các khung thời gian mà các bạn có thể sử dụng với chiến lược này bao gồm: 1W - 1D - 4H - 1H - 15M. 

3.4. Giao dịch phân kỳ với Bollinger Bands và RSI

Với cách thứ 4 này thì mình sẽ kết hợp chỉ báo BB và chỉ báo RSI để tìm tín hiệu phân kỳ. Phân kỳ là 1 tín hiệu mạnh để báo hiệu giá có khả năng đảo chiều. Cụ thể sẽ có 2 loại phân kỳ đảo chiều đó là: Phân kỳ giảm và phân kỳ tăng.

#1. Phân kỳ giảm

Đặc điểm của phân kỳ giảm:

  • Khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và các đỉnh nằm ở dải trên của Bollinger Bands.
  • Chỉ báo RSI tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
  • Giá và chỉ báo động lượng RSI ngược chiều >> Cho thấy xu hướng giá hiện tại đã suy yếu và chuẩn bị hình thành xu hướng mới.

Phân tích: mặc dù giá vẫn tăng tạo đỉnh cao hơn nhưng ngược lại thì động lượng của thị trường đã giảm xuống. Giá và động lượng ngược chiều nhau cho thấy xu hướng tăng giá đã suy yếu, chuẩn bị hình thành 1 xu hướng giảm giá.  

Ví dụ với cặp BATUSDT trên khung thời gian 1D:

phan-ky-bb-rsi

Giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước vào nằm ở dải trên của Bollinger Bands, chỉ báo RSI tạo những đỉnh tương ứng thấp hơn >> đây là đặc điểm của phân kỳ giảm. 

Cách giao dịch hiệu quả và tránh tín hiệu nhiễu:

Khi phát hiện phân kỳ các bạn đừng vào lệnh ngay, hãy chờ thêm xác nhận từ hành động giá. 

Cách làm ở đây là kẻ đường trendline (đường màu vàng) và chờ giá phản ứng với trendline. Nếu giá phá vỡ trendline thì đây là tín hiệu tốt để chúng ta MUA vào. Ngược lại giá không phá trendline thì đây là tín hiệu nhiễu mà thôi, các bạn nên đứng ngoài thị trường.

#2. Phân kỳ tăng

  • Khi giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước và các đáy nằm ở dải dưới của Bollinger Bands.
  • Chỉ báo RSI tạo đáy sau cao hơn đáy trước.
  • Giá và chỉ báo động lượng RSI ngược chiều >> Cho thấy xu hướng giá hiện tại đã suy yếu và chuẩn bị hình thành xu hướng mới.

Phân tích: mặc dù giá giảm xuống tạo những đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng ngược lại thì động lượng của thị trường lại tăng lên. Điều này cho thấy xu hướng giảm giá đã suy yếu, chuẩn bị hình thành 1 xu hướng tăng giá.

Ví dụ Bollinger Bands và chỉ báo RSI phân kỳ tăng với cặp coin BTCUSDT trên khung 1D:

phan-ky-bb-rsi-1

Giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước và nằm ở dải dưới Bollinger Bands, chỉ báo RSI tạo đáy tương ứng cao hơn, giá và động lượng ngược chiều >> Đây là đặc điểm RSI phân kỳ tăng.

Cách giao dịch là kẻ đường trendline (màu vàng) và chờ xác nhận từ hành động giá. Nếu giá phá vỡ trendline thì các bạn có thể vào lệnh MUA.

Tóm tắt các bước giao dịch với phân kỳ giảm:

  1. 1
    Tìm các đáy nằm ở dải dưới của Bollinger Bands sao cho đáy sau thấp hơn đáy trước. 
  2. 2
    So sánh RSI với các đáy tương ứng để tìm phân kỳ. Cụ thể là RSI tạo đáy tương ứng cao hơn thì đó là phân kỳ giảm.
  3. 3
    Không vào lệnh ngay khi phát hiện phân kỳ, hãy kẻ trendline và chờ giá phá vỡ để vào lệnh MUA.

3.5. Giao dịch phân kỳ với Bollinger Bands và MACD

Cách 5 cũng tương tự với cách 4 là mình sẽ tìm các tín hiệu phân kỳ bằng cách kết hợp Bollinger Bands và chỉ báo MACD, cụ thể hơn mình sẽ dùng chỉ báo Bollinger Bands và biểu đồ Histogram của chỉ báo MACD để tìm các tín hiệu phân kỳ.

#1. Phân kỳ giảm

  • Khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và các đỉnh nằm ở dải trên của Bollinger Bands, 
  • Biểu đồ histogram tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
  • Giá và động lượng ngược chiều >> Cho thấy xu hướng giá hiện tại đã suy yếu và chuẩn bị hình thành xu hướng mới.

Ví dụ Bollinger Bands và histogram phân kỳ giảm với cặp coin ETHUSDT trên khung thời gian 1D:

phan-ky-bb-macd-1

Giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và nằm ở dải trên Bollinger Bands, histogram tạo đỉnh tương ứng thấp hơn, giá và động lượng ngược chiều nhau >> Đây là đặc điểm của histogram phân kỳ giảm. Kẻ đường trendline và chờ giá phá vỡ để vào lệnh BÁN.

#2. Phân kỳ tăng

  • Khi giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước và các đáy nằm ở dải dưới của Bollinger Bands.
  • Histogram tạo đáy sau cao hơn đáy trước.
  • Giá và động lượng ngược chiều >> Cho thấy xu hướng giá hiện tại đã suy yếu và chuẩn bị hình thành xu hướng mới.

Ví dụ: phân kỳ tăng của Bollinger Bands và chỉ báo MACD với cặp coin BTCUSDT trên khung thời gian 4H:

phan-ky-bb-macd

Giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước và nằm ở dải dưới của Bollinger Bands, biểu đồ histogram lại tạo đáy sau tương ứng cao hơn >> Đây là đặc điểm của histogram phân kỳ tăng. Các bạn kẻ đường trendline và chờ giá phá vỡ để vào lệnh MUA.

[VIDEO] Hướng dẫn Trade coin với Bollinger Bands

4. Kết luận

Mình sẽ tóm tắt lại những ý chính trong bài viết:

  1. 1
    Chỉ báo Bollinger Bands được dùng để đo động lượng của thị trường và xác định trạng thái của thị trường.
  2. 2
    Phần lớn giá sẽ dao động lên xuống trong dải Bollinger.
  3. 3
    Khoảng cách của 2 dải trên và dưới của Bollinger Bands thể hiện biến động của thị trường.
  4. 4
    Thị trường sẽ ở trạng thái quá mua khi giá nằm ở dải trên, ngược lại thị trường sẽ ở trại thái quá bán khi giá nằm ở dải dưới. Tuy nhiên trạng thái quá mua quá bán không phải là tín hiệu để giá đảo chiều.
  5. 5
    Cách giao dịch với Bollinger Bands: [1] Nút thắt cổ chai, [2] Giao dịch trong thị trường có xu hướng hoặc sideway, [3] Kết hợp Bollinger Bands và RSI hoặc MACD để giao dịch phân kỳ.

Hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết này các bạn có thể hiểu rõ hơn về chỉ bào Bollinger Bands cũng như cách sử dụng Bollinger Bands để giao dịch trade coin hiệu quả.

Nếu có thắc mắc gì thì hãy để lại bình luận bên dưới để mình có thể hỗ trợ các bạn. Chúc các bạn thành công!

Vĩnh Phúc
 

Chào các bạn! Mình viết blog Hocitfree để chia sẻ với các bạn những gì mình biết về các hình thức kiếm tiền online (MMO).

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments

Leave a Reply: