Chỉ Báo RSI Là Gì? Cách Sử Dụng Chỉ Báo RSI Để Giao Dịch Trade Coin

Chỉ báo RSI là một trong những chỉ báo phân tích kỹ thuật phổ biến được nhiều trader sử dụng trong giao dịch trade coin. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chỉ báo RSI và cách sử dụng để trade coin hiệu quả.

More...

1. Chỉ báo RSI là gì?

RSI - Relative Strength Index (Chỉ số sức mạnh tương đối): Là chỉ báo kỹ thuật dùng để đo động lượng của thị trường và xác định các vùng giá quá mua hoặc quá bán.

Cấu tạo của chỉ báo RSI:

RSI là một bộ dao động với 14 chu kỳ và có giá trị dao động trong khoản từ 0 đến 100. RSI chỉ ra thị trường đang trong tình trạng quá mua khi RSI lớn hơn 70 và thị trường đang trong tình trạng quá bán khi RSI bé hơn 30.

chi-bao-rsi

Với sự phát triển của công cụ hỗ trợ giao dịch như TradingView, công thức và quá trình tính toán RSI đã được thực hiện tự động. 

Mục tiêu chính của chúng ta là tìm hiểu cách sử dụng chỉ báo RSI để giao dịch trade coin như thế nào cho hiệu quả.

2. Cách giao dịch với chỉ báo RSI

2.1. Tín hiệu quá mua, quá bán

Như đã đề cập ở trên thì khi RSI có giá trị từ 70 trở lên thì lúc đó thị trường đang ở trong tình trạng quá mua. Khi RSI có giá trị từ 30 trở xuống thì lúc đó thị trường đang ở trong tình trạng quá bán.

Nhiều trader sử dụng các mức quá mua, quá bán của chỉ báo RSI để làm tín hiệu giao dịch:

  • Khi RSI vào vùng quá mua (RSI > 70) >> BÁN ra. 
  • Khi RSI vào vùng quá bán (RSI < 30) >> MUA ra.

>>> Đây là cách giao dịch KHÔNG HIỆU QUẢ.

Tại sao mình nói là không hiệu quả khi sử dụng RSI như vậy? Cùng xem ví dụ với cặp coin ETHUSDT trên khung thời gian 1D:

rsi-qua-mua-qua-ban-2

Trong thị trường có xu hướng tăng mạnh, dù chỉ báo RSI có đi vào vùng quá mua nhiều lần nhưng giá vẫn tiếp tục tăng mà không có dấu hiệu đảo chiều. Nếu bạn chỉ sử dụng chỉ báo RSI ở các vùng quá mua để vào lệnh BÁN thì các bạn đã gặp những tín hiệu giả.

Xem thêm một ví dụ khác:

rsi-qua-mua-qua-ban-1

Trong thị trường có xu hướng giảm mạnh, dù chỉ báo RSI có đi vào vùng quá bán nhiều lần nhưng giá vẫn tiếp tục giảm mà không có dấu hiệu đảo chiều. Nếu bạn chỉ sử dụng chỉ báo RSI ở vùng quá bán để vào lệnh MUA thì các bạn cũng đã gặp những tín hiệu giả.

Tóm lại các bạn không nên chỉ dùng tín hiệu RSI ở vùng quá mua, quá bán để giao dịch mà phải kết hợp RSI với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để giao dịch hiệu quả hơn.

2.2. RSI kết hợp vùng hỗ trợ, kháng cự

Với cách giao dịch này các bạn có thể sử dụng tín hiệu quá mua, quá bán của RSI kết hợp với vùng hỗ trợ kháng cự.

Xem ví dụ với cặp ETHUSDT trên khung thời gian 1D:

rsi-ho-tro-khang-cu-4

Đầu tiên chúng ta vẽ vùng hỗ trợ, kháng cự (vùng màu tím). Trước đó giá đã phá vỡ và giảm xuống dưới vùng hỗ trợ kháng cự này.

Nếu bạn còn nhớ trong bài viết về hỗ trợ, kháng khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ thì vùng hỗ trợ đó sẽ biến thành vùng kháng cự. Trường hợp này giá phá vùng hỗ trợ (màu tím) thì vùng đó là kháng cự trong tương lai.

Quay lại với ví dụ, sau khi phá vỡ thì các bạn thấy giá không thể xuyên thủng vùng này để tăng lên, vậy chúng ta có thể thấy đây là 1 vùng kháng cự khá mạnh.

Ở thời điểm hiện tại giá đang ở vùng kháng cự, bên cạnh đó chỉ báo RSI đang vào vùng quá mua. Kết hợp lại chúng ta đã có những tín hiệu để vào lệnh BÁN khi xuất hiện những cây nến giảm.

Và đây là kết quả, rất nhiều cây nến giảm khác xuất hiện và giá liên tục giảm xuống.

rsi-ho-tro-khang-cu-5

Xem thêm một ví dụ khác với cặp BTCUSDT trên khung thời gian 4D:

rsi-ho-tro-khang-cu-3

Đầu tiên chúng ta vẽ vùng hỗ trợ ở đáy thấp nhất mà giá đạt được (vùng màu tím). Chúng ta chỉ tham gia giao dịch khi giá đạt đến vùng hỗ trợ kháng cự.

Giả sử lúc này giá chạm vùng hỗ trợ kháng cự, các bạn có thể xem xét chỉ báo RSI. Lúc giá chạm vùng hỗ trợ kháng cự thì RSI đi vào vùng quá bán >> Đây là những tín hiệu tốt để chúng ta kỳ vọng giá có thể tăng lên. 

Các bạn có thể vào lệnh MUA khi những cây nến tăng bắt đầu xuất hiện

Tóm lại, để giao dịch với chỉ báo RSI hiệu quả, các bạn hãy kết hợp RSI với các công cụ phân tích kỹ thuật khác.

2.3. RSI phân kỳ thường

RSI Phân kỳ thường (hay còn gọi là phân kỳ đảo chiều): Được các trader sử dụng để xác định khả năng đảo chiều của xu hướng giá.

Đặc điểm của RSI phân kỳ thường:

  • Giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước (hoặc đáy sau thấp hơn đáy trước).
  • RSI tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (hoặc đáy sau cao hơn đáy trước).
  • Trong phân kỳ thường, khi giá và động lượng ngược chiều thì báo hiệu xu hướng giá hiện tại đã suy yếu, chuẩn bị hình thành xu hướng mới.

RSI phân kỳ thường có 2 loại: phân kỳ thường tăng và phân kỳ thường giảm.

#1. RSI Phân kỳ thường TĂNG: 

Đặc điểm của RSI phân kỳ thường tăng:

  • Khi giá tạo đáy sau THẤP hơn đáy trước.
  • Chỉ báo RSI tạo đáy sau CAO hơn đáy trước.

>> Phân tích: Mặc dù giá giảm tạo đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng động lượng của thị trường lại tăng lên. Vì giá và động lượng sẽ đi chung với nhau nên đây là tín hiệu phân kỳ thường cho thấy giá có khả năng đảo chiều từ giảm sang TĂNG.

Cùng xem ví dụ về RSI phân kỳ thường tăng với cặp ETHUSDT trên khung thời gian 1D:

phan-ky-thuong-rsi-3

Giá đang ở trong xu hướng giảm tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, tuy nhiên RSI lại tạo đáy tương ứng cao hơn >> Đây là đặc điểm của RSI phân kỳ tăng. 

Vậy ngay khi phát hiện tín hiệu RSI phân kỳ tăng, có nên vào lệnh MUA ngay hay không? 

Mình khuyên là không nên vào lệnh ngay nhé, chúng ta cần thêm xác nhận từ hành động giá để vào lệnh.

Cách làm ở đây là vẽ đường trendline (đường màu vàng) và chờ giá phá vỡ. Nếu giá phá vỡ trendline thì đây là một tín hiệu tốt để chúng ta vào lệnh MUA.

Và đây là kết quả khi bạn kết hợp tín hiệu RSI phân kỳ và hành động giá phá vỡ trendline: Giá tăng lên sau khi phá vỡ trednline.

phan-ky-thuong-rsi-4

#2. Phân kỳ thường GIẢM:

Đặc điểm của RSI phân kỳ thường giảm:

  • Khi giá tạo đỉnh sau CAO hơn đỉnh trước.
  • Chỉ báo RSI lại tạo đỉnh sau THẤP hơn đỉnh trước.

>> Phân tích: Mặc dù giá tăng tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng động lượng của thị trường đã giảm xuống. Vì giá và động lượng sẽ đi chung với nhau nên đây là tín hiệu phân kỳ cho thấy giá có khả năng đảo chiều từ tăng sang GIẢM.

Xem ví dụ về RSI phân kỳ giảm với cặp BTCUSDT trên khung thời gian 1D:

phan-ky-thuong-rsi-1

Giá đang trong xu hướng tăng tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tuy nhiên RSI lại tạo những đỉnh tương ứng thấp hơn >> Đây là đặc điểm của RSI phân kỳ giảm. 

Vậy ngay khi gặp tín hiệu RSI phân kỳ giảm, có nên vào lệnh BÁN ngay hay không? 

Vẫn là không nên nhé, vì rất có thể đây là một tín hiệu nhiễu. Các bạn cần thêm xác nhận từ hành động giá để tham gia giao dịch hiệu quả hơn.

Tương tự ở trên, các bạn vẽ đường trendline (đường màu vàng) và chờ giá phá vỡ. Nếu giá phá vỡ đường trendline thì đây là tín hiệu tối để chúng ta vào lệnh BÁN.

Và đây là kết quả khi các bạn tuân thủ theo tín hiệu phân kỳ của RSI và tín hiệu từ hành động giá phá vỡ trendline: Giá bắt đầu giảm xuống sau đó.

phan-ky-thuong-rsi-2

Tóm tắt các bước giao dịch với RSI phân kỳ thường:

  • Bước 1: Tìm mô hình đỉnh sau cao hơn đỉnh trước (hoặc đáy sau thấp hơn đáy trước).
  • Bước 2: So sánh với các đỉnh (hoặc đáy) tương ứng của RSI để tìm tín hiệu phân kỳ.
  • Bước 3: Kẻ đường trendline (hoặc vùng hỗ trợ, kháng cự) và chờ giá phá vỡ để vào lệnh.

2.4. RSI phân kỳ kín

RSI phân kỳ kín (hay còn gọi là phân kỳ tiếp diễn): Được các trader sử dụng để tìm các điểm tiếp diễn xu hướng giá. 

Đặc điểm của RSI phân kỳ kín:

  • Giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước (hoặc đáy sau cao hơn đáy trước).
  • RSI tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước (hoặc đáy sau cao thấp hơn đáy trước).
  • Trong phân kỳ kín, giá và động lượng đi ngược chiều nhau cho thấy giá sẽ tiếp diễn xu hướng hiện tại.

RSI phân kỳ kín cũng được chia thành 2 loại: phân kỳ kín tăng và phân kỳ kín giảm

#1. Phân kỳ kín TĂNG:

Đặc điểm của RSI phân kỳ kín tăng:

  • Giá tạo đáy sau CAO hơn đáy trước.
  • Chỉ báo RSI lại tạo đáy sau THẤP hơn đáy trước.

>> Các bạn có thể tìm phân kỳ kín tăng trong thị trường có xu hướng tăng.

Xem ví dụ về RSI phân kỳ kín tăng với cặp BNBUSDT trên khung thời gian 1D:

phan-ky-kin-rsi-2

Giá đang trong xu hướng tăng để tạo đáy sau cao hơn đáy trước, chỉ báo RSI lại đi ngược với giá khi tạo những đáy tương ứng thấp hơn. Đây là đặc điểm của RSI phân kỳ kín tăng >> giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng tăng.

#2. Phân kỳ kín GIẢM:

Đặc điểm của RSI phân kỳ kín giảm:

  • Giá tạo đỉnh sau THẤP hơn đỉnh trước.
  • Chỉ báo RSI lại tạo đỉnh sau CAO hơn đỉnh trước.

>> Các bạn có thể tìm phân kỳ kín giảm trong thị trường có xu hướng giảm.

Xem ví dụ về phân kỳ kín giảm với cặp LTCUSDT trên khung thời gian 1D:

phan-ky-kin-rsi-1

Giá đang trong xu hướng giảm để tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, chỉ báo RSI đi ngược lại với giá khi mà tạo những đỉnh tương ứng cao hơn. Đây là đặc điểm của RSI phân kỳ kín giảm >>> giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng giảm.

Tổng hợp cách giao dịch với RSI phân kỳ (bao gồm PK thường và PK kín):

  • Khi bạn muốn giao dịch ngược xu hướng thì hãy nghĩ đến RSI phân kỳ thường (phân kỳ đảo chiều).
  • Khi bạn muốn giao dịch thuận xu hướng thì hãy nghĩ đến RSI phân kỳ kín (phân kỳ tiếp diễn).
  • Các bạn có thể nhớ cách đơn giản: phân kỳ xảy ra khi giá và chỉ báo RSI đi ngược hướng với nhau.
  • Với phân kỳ thường, các bạn tìm trong xu hướng tăng có đỉnh cao hơn hoặc trong xu hướng giảm có đáy thấp hơn rồi so sánh với RSI.
  • Với phân kỳ kín, các bạn tìm trong xu hướng tăng có đáy cao hơn hoặc trong xu hướng giảm có đỉnh thấp hơn rồi so sánh với RSI.

Lưu ý khi giao dịch với RSI phân kỳ, các bạn nên sử dụng khung thời gian lớn từ 4H trở lên để tránh các tín hiệu nhiễu từ những khung thời gian nhỏ hơn.

[VIDEO] Hướng dẫn Trade coin với chỉ báo RSI

3. Kết luận

Sau đây mình sẽ tóm tắt lại một số ý chính trong bài viết:

  • RSI là chỉ báo đo động lượng của thị trường.
  • Thị trường quá mua khi RSI > 70.
  • Thị trường quá bán khi RSI < 30.
  • Cách giao dịch hiệu quả với RSI: [1] RSI kết hợp vùng hỗ trợ, kháng cự. [2] RSI phân kỳ thường. [3] RSI phân kỳ kín.

Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn có thể hiểu rõ về chỉ báo RSI cũng như cách sử dụng RSI để giao dịch trade coin một cách hiệu quả.

Nếu các bạn có thắc mắc gì thì hãy để lại bình luận bên dưới bài viết để mình có thể hỗ trợ bạn. Chúc các bạn thành công!

Vĩnh Phúc
 

Chào các bạn! Mình viết blog Hocitfree để chia sẻ với các bạn những gì mình biết về các hình thức kiếm tiền online (MMO).

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments

Leave a Reply: